Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế
Sẽ có quy định mới đánh giá học sinh tiểu học
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định đánh giá học sinh tiểu học. Nếu được chính thức ban hành, thông tư này sẽ thay thế quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học ban hành ngày 27/10/2009.
Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh
Nguyên tắc đánh giá học sinh tiểu học tại dự thảo thông tư này là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan.
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Về nội dung đánh giá: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: Tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề.
Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.
Đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì
Đánh giá học sinh tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì:
Đánh giá thường xuyên: Tùy theo tình hình thực tế học tập của mỗi học sinh mà giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết vào vở bài làm của học sinh để học sinh biết cách vượt qua các lỗi mình mắc phải hoặc có thể ghi vào Sổ theo dõi đánh giá học sinh những điều cần lưu ý để có kế hoạch giúp đỡ học sinh.
Đây là những việc làm cần thiết để giúp học sinh học tập tốt hơn, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về điểm số hàng ngày.
Với cách đánh giá này, dự thảo ghi rõ: Khi nhận xét cần đặc biệt quan tâm dùng lời lẽ mang tính động viên, khích lệ giúp học sinh tự tin vươn lên; biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ của các em. Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên.
Đánh giá định kì: Đề kiểm tra được thiết kế theo ba mức độ nhận thức của học sinh và được đánh giá theo thang điểm 10.
Theo GDTĐ